Ngày càng có nhiều người mê trà, thưởng trà lúc nhàn hạ cũng là thú vui tao nhã. Ngồi trước bàn trà với những món trà cụ tinh tế, mang đậm giá trị văn hoá và lịch sử. Sắp xếp ngay ngắn, thuận tiện, vệ sinh các loại trà cụ sạch sẽ và sau đó tự thưởng cho bản thân một tách trà khoan khoái, nhâm nhi từng chút một, cảm nhận vị riêng của trà trong làn hương ngan ngát, ấm áp toả dần ra không gian. Quả là một thú tao nhã làm bao người mê đắm.
Vì sao nên vệ sinh thường xuyên các loại trà cụ?
Việc vệ sinh các dụng cụ pha trà là rất quan trọng và cần thiết, đặc biệt là ấm trà và chén trà. Nếu chúng ta uống trà mà không để ý đến việc vệ sinh, thậm chí sử dụng lâu ngày, trà cụ bám bẩn rồi mới nghĩ đến việc lau rửa thì những cặn bẩn của trà sẽ gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Trong trà đạo, sự thanh khiết của trà và sự tinh sạch của trà cụ là điều rất được chú trọng.
Các loại trà cụ được vệ sinh sạch sẽ trước khi thưởng trà giúp cải thiện tâm trạng uống trà, đặc biệt đối với bộ trà cụ pha trà chuyên nghiệp. Trà ngon không những ở loại trà, cách pha, mà còn được nâng tầm trong giá trị văn hoá lịch sử của các bộ ấm chén.
Mỗi bộ ấm trà có nét linh thiêng riêng, đặc biệt như bộ ấm chén trà men ngọc, vì có giá trị nên càng sử dụng và bảo dưỡng cẩn trọng. Sự thay đổi các hoạ tiết cánh ve khác nhau làm cho mỗi bộ ấm chén là duy nhất, riêng biệt, mang tính sưu tầm cao.
Tiêu biểu như khi sử dụng bộ ấm trà men rạn màu xanh ngọc, trước khi pha trà, hãy làm ẩm bề mặt bộ ấm chén bằng bút dưỡng trà đã ngâm qua nước trà, sau đó đánh giá những thay đổi hoa văn cánh ve long lanh trên bề mặt, là cách dưỡng trà cụ đồng thời thưởng được cái đẹp của nghệ thuật làm gốm sứ.
Xem ngay một số mẫu ấm chén uống trà nghệ thuật tại đây link [giới thiệu sản phẩm]
Cặn trà khó vệ sinh thực chất là gì?
Cặn trà còn gọi là bẩn trà, vôi trà. Cặn trà được tạo ra do phản ứng oxy hoá giữa các polyphenol có trong trà và các kim loại trong trà bị oxy hoá trong không khí.
Chúng ta dễ dàng thấy những vết ố vàng bám lên thành của ấm chén khi sử dụng lâu ngày mà không vệ sinh thường xuyên. Thực chất, thành phần chính của cặn trà chính là canxi cacbonat và rất khó tẩy rửa. Cặn trà được hình thành do quá trình tích tụ các chất không tan trong nước, bám vào thành ấm.
Cặn trà có chứa asen, thuỷ ngân, chì, và các kim loại nặng khác, rất có hại cho sức khoẻ. Khi chúng ta uống trà, các cặn trà này kết hợp với protein trong thức ăn, acid béo, vitamin tạo ra các chất cặn tích tụ lại trong cơ thể, khó chuyển hoá, cản trở quá trình hấp thụ dinh dưỡng ở dạ dày và ruột non, thậm chí có thể gây viêm loét, hoại tử do sự tích tụ lâu ngày của các cặn kim loại nặng, dẫn đến ung thư.
Ở một số địa phương, người ta vẫn theo tục dùng trà mà không làm sạch ấm trà cũng như vệ sinh lớp cặn bám lên thành đáy chén, họ quan niệm rằng lớp cặn trà này càng dày càng tốt, trà sẽ có vị ngon hơn.
Đây là một thói quen và quan niệm không tốt, ảnh hưởng đến sức khoẻ người uống trà vì cặn trà là ổ chứa sinh sôi của vi khuẩn và các kim loại nặng gây độc cho cơ thể.
Một số lưu ý quan trọng khi vệ sinh trà cụ
Đối với các loại ấm đất, ấm tử sa, các loại ấm hấp thụ mùi… tuyệt đối không dùng chất tẩy rửa, chất có mùi nồng vì làm mất đi hương vị nguyên bản, đặc trưng của trà thay vào đó hãy dùng các chất tẩy rửa tự nhiên, an toàn.
Rửa sạch ngay lập tức, càng sớm càng tốt. Cách tốt nhất là sau mỗi lần dùng trà, hãy rửa sạch và lau khô trà cụ cẩn thận để giúp bộ trà cụ luôn sạch sẽ và sáng bóng. Không để cặn trà tích tụ lâu ngày. Việc này nên tạo thành một thói quen tốt trong thưởng trà.
Không vệ sinh bằng các vật dụng có chất liệu nhám, dễ gây xước lớp men của ấm chén.
Khi vệ sinh các loại trà cụ, hãy lưu ý đến một số nơi chúng ta thường bỏ qua như thành trong của miệng ấm trà, vòi ấm trà, đáy chén trà, các góc khay trà,…
Bantradienthongminh.vn khuyên bạn nên vệ sinh bộ trà cụ ngay sau khi dùng trà, nhưng đôi khi, không phải lúc nào cũng tiện cho việc vệ sinh ngay, chúng ta bị cuốn theo các hoạt động khác và quên đi việc vệ sinh ấm chén, và thường đến lần dùng trà tiếp theo mới vệ sinh thì các cặn trà đã tích tụ lại một lớp bám chắc vào thành ấm, rất khó vệ sinh bằng tay, phải dùng các dụng cụ hỗ trợ và và cũng rất mất thời gian.
Hướng dẫn một số cách vệ sinh bộ trà cụ sạch như mới
Vệ sinh ấm trà
Để xử lí các cặn trà (chủ yếu là canxi cacbonat) bám trong bề mặt ấm, bạn nên dùng giấm trắng (acid acetic) để trung hoà theo phản ứng hoá học sau:
CaCO3+ 2CH3COOH = Ca(CH3COO)2+H2O + CO2
Nếu cặn trà đặc và dày hơn, trước khi trung hoà với giấm trắng, hãy cọ xát bề mặt bằng xơ mướp với hỗn hợp muối và rượu để làm mỏng lớp cặn trà. Sau đó thêm nước nóng và vỏ trứng gà vò nát vào ấm và lắc đều, ma sát của vỏ trứng và thành ấm giúp loại bỏ đi những mảng cặn trà. Điều này có thể làm sạch khá tốt các kẻ hở bên trong mà tay chúng ta không cọ xát tới.
Trong trường hợp cặn trà hoá vôi lâu ngày, sau khi thực hiện các bước trên, hãy cho trực tiếp kem đánh răng, đợi một phút, và rửa sạch lại nhiều lần với nước ấm.
Sau khi hoàn thành các bước làm sạch và trung hoà cặn trà. Đừng bỏ qua mẹo làm sạch với khoai tây. Khoai tây chứa nhiều tinh bột, khi gặp nhiệt độ cao, tinh bột sẽ tạo thành dụng dịch keo có khả năng hấp thụ mùi và khử độc các cặn thừa còn sót lại một cách triệt để.
Rửa sạch vòi ấm trà
Nói đến phần vệ sinh khó nhất của ấm trà chính là vòi ấm trà. Cho dù bạn thường xuyên vệ sinh bộ ấm chén cũng rất khó chịu khi nhìn thấy những vết ố vàng khó chạm tay tới như trong lòng vòi ấm và mặt trong của thành miệng ấm. Vấn đề này có thể giải quyết bằng việc sử dụng các vật dụng nhỏ với chất liệu lành tính, không ảnh hưởng đến hương vị trà như que tre, que gỗ có đường kính nhỏ.
Đập dập một đầu que tre sao cho mềm thành hình chổi có tác dụng như bàn chải, sau đó nhúng vào các chất như muối và chà xát nhiều lần. Tiếp theo đó hãy dùng một que tăm bông nhúng giấm trắng để cọ rửa. Để như vậy qua đêm, hôm sau rửa sạch lại với nước ấm.
Ngày nay bạn có thể dễ dàng tìm thấy những bàn chải chuyên dụng với đầu nhỏ có thể uốn cong, xoắn, không những có thể luồn sâu vào mọi ngóc ngách mà còn giúp làm sạch triệt để hơn.
Kết thúc vệ sinh ấm trà bằng việc tráng ấm qua nước sôi để làm sạch và khử trùng lần cuối, sau đó đặt ấm sang một bên cho gọn gàng và để khô tự nhiên.
Vệ sinh chén trà sạch vết ố
Tương tự như ấm trà, chén trà cũng nên được vệ sinh thường xuyên vì ảnh hưởng mỹ quan trực tiếp đến màu sắc của trà. Tuy nhiên chén trà dễ vệ sinh hơn vì ít chi tiết phức tạp như ấm trà. Hãy cùng tham khảo qua một số cách làm sạch chén trà như sau:
- Xả lại bằng nước sạch mỗi khi uống trà xong
Trước tiên, hãy đổ bỏ lá trà, dùng nước sạch dội rửa chén, sau đó tráng lại bằng nước sôi và úp ngược để tránh bụi và khô ráo. Đây là cách quan trọng nhất nếu làm thường xuyên, bộ chén trà sẽ luôn sáng bóng và không cần đến các cách làm sạch khác.
- Bôi kem đánh răng và làm sạch chén trà
Nếu như không kịp thời làm sạch bộ ấm chén sau khi uống, đợi đến khi có thời gian hoặc thuận tiện mới vệ sinh thì chén trà sẽ có vết ố vàng do trà sót đọng lại. Hãy dùng một ít kem đánh răng (chọn loại ít hương liệu), dùng bông gòn hoặc khăn mềm thoa kem đánh răng lên toàn bộ bề mặt chén và rửa sạch sau 1 phút. Nếu chưa sạch, hãy lặp lại 2 đến 3 lần và sau đó tráng sạch lại nhiều lần với nước sôi và úp ráo.
- Rửa bằng giấm gạo hoặc muối nở (baking soda)
Nếu cặn trà dày, và kem đánh răng không cải thiện bạn có thể dùng giấm gạo và baking soda. Hãy đun nóng giấm gạo và baking soda sau đó ngâm toàn bộ chén trà trong dung dịch qua đêm. Sau đó rửa sạch lại với nước ấm và úp ráo. Ngoài ra bạn có thể dùng nước cola hoặc nước chanh để thay thế.
- Dùng vỏ khoai tây
Sau khi dùng khoai tây, hãy để lại vỏ. Đun sôi khoai tây trong 20 đến 30 phút để tạo dung dịch keo và cho đầy vào các chén trà. Để yên chén trong 30 phút để khoai tây hấp thụ cặn bẩn và khử độc. Sau đó rửa sạch lại, tráng với nước sôi và úp ráo.
Vệ sinh ấm chén thuỷ tinh
Đối với một số loại ấm chén bằng thuỷ tinh, để làm sạch chúng không cần cầu kì các bước như đối với các loại ấm chén đất, tử sa,… vì thuỷ tinh không hấp thụ mùi.
Tất nhiên hãy luôn tuân theo nguyên tắc vệ sinh ngay sau mỗi lần uống trà. Nếu có vết ố cặn trà bám trên bề mặt thuỷ tinh, ngoài các bước làm sạch như trên, bạn có thể dùng dung dịch tẩy rửa chuyên dùng và sau đó tráng sạch nhiều lần qua nước nóng để loại bỏ cặn xà phòng và mùi. Sau đó úp ráo.
Đối với các loại ấm đất bị dính vết dầu mỡ
Đặc biệt đối với loại ấm chén tử sa, bạn không nên để dính dầu mở lên ấm chén vì lớp đất sẽ thấm dầu và để lại vết dầu rất mất thẩm mỹ và khi pha trà sẽ có váng dầu nổi.
Nếu dầu mỡ dính vào bộ ấm chén nghiêm trọng, bạn nên dùng bàn chải mềm hoặc bông gòn thấm xăng để chải hoặc lau qua (không được dùng bàn chải kim loại vì gây trầy xước thêm), sau đó dùng cồn để lau lại sau khi xăng bay hơi. Ngâm trong nước nóng và than hoạt tính để rửa trôi và khử mùi sót lại. Sau đó tráng sôi, rồi lau khô để ráo.
Vệ sinh khăn trà
Khăn trà là một loại khăn vuông nhỏ dùng để lau bên ngoài ấm trà bằng nước sạch. Một số vùng, người ta thường dùng khăn thấm qua rượu gạo và lau bên ngoài của ấm trà để giữ cho bên ngoài của ấm chén luôn sáng bóng.
Nên giặt sạch lại khăn trà sau mỗi lần vệ sinh bằng nước sạch và phơi khô dưới ánh nắng mặt trời để hạn chế nấm mốc, nên giặt khăn thường xuyên và thay khăn trà hằng tháng.
Vệ sinh máng trà (màng lọc trà)
Máng trà trong bộ lọc trà cũng là vật dụng nên được vệ sinh thường xuyên, vì trà sau khi lọc, sử dụng lâu ngày dễ dẫn đến tắc nghẽn màng lọc và bị ố màu.
Tốt nhất là sau khi lọc trà, bạn nên vệ sinh ngay màng lọc bằng nước sôi để có thể loại bỏ nhanh các chất cặn có thể bám dính vào máng trà nếu như không muốn thay máng trà thường xuyên.
Thông thường, nhà sản xuất sẽ bán kèm máng trà để thay thế sau một thời gian sử dụng. Nếu bạn không mua được máng thay thì có thể sử dụng gạt sạch để lọc trà và cố định các mép bằng dây chắc chắn để lọc, đây là cách lọc trà của người xưa.
Vệ sinh khay trà, bàn trà
Khi nói đến vệ sinh bộ dụng cụ trà, dễ dàng bỏ qua nhất là khay trà. Khay trà thường dùng là khay gỗ, hoặc khay đá. Mỗi loại khay có đặc điểm và góc độ thẩm mỹ khác nhau.
Nếu khay đá có trọng lượng nặng, thường đặt cố định trên bàn và ít di chuyển, dễ vệ sinh, hợp phong thuỷ với người mạng thổ và kim. Thì khay gỗ linh động hơn nên được dùng phổ biến, tản nhiệt chậm hơn nên giúp trà ấm lâu hơn so với đặt chén trà lên khay đá, hợp phong thuỷ với người mạng mộc, hoả.
Nhà sản xuất thường phun một lớp sơn kháng nước, chống ẩm lên bề mặt khay gỗ. Tuy nhiên, hãy chú ý đến việc vệ sinh chúng cẩn thận. Không nên dùng nước tẩy rửa vì có thể gây ăn mòn lớp sơn kháng nước, không để khay quá ẩm ướt, sau khi rửa sạch bằng nước ấm nên dùng khăn khô để lau lại và đặt nơi thoát gió để hong khô hoàn toàn.
Vệ sinh trà cụ sau mỗi lần dùng trà nên thực hiện thường xuyên, là một thói quen theo suốt quá trình thưởng trà nghệ thuật. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ và biết cách vệ sinh, bảo dưỡng. Hi vọng bài viết trên có thể giúp ích được các bạn trong việc vệ sinh đúng cách các loại trà cụ.