Khi bạn quan tâm đến các bài viết về trà cụ (dụng cụ uống trà) nghĩa là bạn đang quan tâm và muốn tìm hiểu sâu hơn đến thưởng trà chuyên nghiệp. Trước khi tìm hiểu về nội dung các loại trà cụ dùng trong nghệ thuật thưởng trà (trà đạo) hãy lưu ý rằng để thưởng một chén trà ngon cần có: trà ngon, nước ngon, cách pha trà và trà cụ là yếu tố sau cùng.
Dù bạn là người uống trà thông thường hay theo phong cách thưởng trà chuyên nghiệp thì nên tập trung vào trà và tâm đạo khi thưởng trà. Các loại trà cụ là vật thiết yếu nhưng đừng quá cầu kì và cứng nhắc.
Có người thích thanh giản, chỉ cần chiếc ấm trà và đôi ba chén trà là được. Có người thì thích thưởng trà một cách tinh tế, rèn tính nhẫn nại và cẩn trọng, có thể nói người học cách pha trà là người học cách tu dưỡng bản thân.
Xem thêm : 4 lưu ý quan trọng trong nghi thức rót trà mời khách
Trong giới trà đạo, trà cụ rất đa dạng và phong phú mang tính kế thừa văn hóa lâu đời. Trà cụ ngày càng đa dạng hơn, thanh tao và mỹ nghệ hơn. Bài viết này đề cập đến các loại trà cụ cơ bản thường dùng trong nghệ thuật thưởng trà.
Bộ trà cụ căn bản gồm những gì ?
-
Ấm trà
Phân loại:
Nếu phân loại ấm trà theo chất liệu có ấm đất, ấm tử sa, ấm sành, ấm sứ, ấm thủy tinh…
Nếu phân loại theo người uống có ấm độc ẩm, ấm song ẩm và ấm trà quần ẩm.
Yêu cầu:
Vỏ ấm cứng, ít thẩm thấu, cầm ấm lên gõ nhẹ vào thành ấm nghe tiếng phát ra càng trong càng quý.
Nắp ấm phải kín, càng giảm thoát hơi nước, càng giữ trà ấm lâu và ít làm thoát đi mùi hương của trà. Cách kiểm tra nắp kín là cho nước vào ¾ ấm, đậy nắp lại và ghì ngón tay lên nắp ấm, nghiêng vòi, nếu nước không chảy ra thì nắp kín.
Bền và dễ vệ sinh, chùi rữa.
Lưu ý:
Ấm trà dùng trong trà đạo thường nhỏ hơn ấm trà thông thường, thời gian hãm trà cũng thường ngắn hơn vì vậy cần căn nhắc kích thước ấm trà sao cho phù hợp với số lượng người uống, mỗi lần pha trà nên rót cho mỗi người hai chén là hợp lý.
Thường mới mua về, nên rửa sạch ấm trà, cho trà vào ấm hãm nóng từ 2 đến 3 ngày để ấm có hơi trà và mất đi mùi đất như vậy khi dùng hương vị trà sẽ không bị lấn át.
Nếu có điều kiện hãy chọn ấm trà tử sa, hoặc ấm gốm Bát Tràng để pha trà. Ấm Bát Tràng, ấm sành sứ thường dùng để hãm lục trà, bạch trà. Ấm tử sa thích hợp hãm các loại trà lên men như hồng trà, trà Ô Long. Ấm đất tử sa là một trong bốn quốc bảo được bảo tồn ở Trung Quốc cùng với kinh kịch, tranh thủy mạc và lụa Tô Châu. Vì vậy ấm trà tử sa được giới uống trà ngưỡng mộ và đánh giá rất cao để cho ra một chén trà có chất lượng.
-
Chén trà
Theo lịch sử ghi chép lại, từ thời Lý-Trần Việt Nam đã làm ra dụng cụ uống trà bằng sứ tuy nhiên còn hơn nặng, dù tạo ra men ngọc nhưng lớp men còn dày, tiếng gõ chưa trong và ngân như chén trà của người Trung Hoa. Về sau thời Lê- Mạc có gốm Chu Đậu được đánh giá “mỏng như giấy, trong như ngọc, trắng như ngà, kêu như chuông”, gốm Chu Đậu rất có giá trị.
4 yêu cầu cơ bản trong nghi thức thưởng trà bạn nên biết
Thông thường một bộ trà cụ có 1 chén tống và có số chén quân tương ứng theo tục của mỗi vùng khác nhau. Miền bắc, một chén tống và bốn chén quân, niềm nam thì theo lệ “nhất tống tam quân”. Ngày nay để thuận tiện hơn, thường dùng một chén tống và sáu chén quân.
Bộ chén trà còn chia ra 4 loại dùng cho bốn mùa: xuân ẩm, hạ ẩm, thu ẩm, đông ẩm. Chén trà xuân thu không lớn không nhỏ, không dày không mỏng. Riêng đối với chén hạ ẩm, thành chén mỏng giúp trà mau nguội. Chén đông ẩm thì thành chén dày, lòng chén sâu giúp giữ nhiệt lâu hơn. Ngày nay việc chọn chén không nhất thiết quá cầu kì từng mùa, mà tùy theo sở thích cá nhân mỗi người.
Có hai loại: chén tống (trại âm từ chén tướng) và chén quân
Chén tống (chén công đạo)
Thường làm bằng gốm và thủy tinh (dễ quan sát màu sắc của trà), có dung tích tương đương với ấm trà, dùng để chứa lấy nước từ ấm sau mỗi lần hãm trà.
Là dụng cụ cần thiết giúp vị trà trộn đều hơn, tránh chỗ đậm chỗ nhạt, ngoài ra còn giúp giảm nhiệt độ trà, tránh quá nóng trước khi uống.
Chén quân (chén con)
Có 2 loại: chén uống trà và chén thưởng hương.
Chén uống trà có đáy nông, miệng rộng, dùng để thưởng vị và sắc của trà.
Chén thưởng hương có đáy sâu, miệng nhỏ hơn chén uống trà, dùng để thưởng mùi hương của trà. Thông thường nếu mua trọn bộ trà cụ, sẽ có 6 chén uống trà đi kèm với 6 chén thưởng hương. Đây là điểm đặc sắc trong phong tục uống trà của người Trung Hoa.
Đối với trà Ô long và các loại trà có hương thơm khác, sau khi rót trà vào chén để thưởng hương trà người ta úp ngược chén thưởng hương lên trên chén uống trà để hương nóng bốc lên bám lên cốc thưởng hương và giúp người uống trà có thể cảm nhận trọn vẹn mùi hương từ trà nhất. Loại chén này giúp giữ nhiệt tốt, hương trà tỏa ra chậm giúp người uống thưởng thức được hết hương vị.
-
Chén có nắp (liễn trà)
Thường có trong bộ trà cụ của người Trung Hoa, gồm có nắp ở trên, giá đỡ bên dưới và chén tương đối lớn. Đối với loại chén này chỉ cần tráng chén qua nước sôi, sau đó cho trà vào đậy nắp lại từ 20 giây đến 3 phút tùy theo lượng và loại trà là có thể dùng được. Người Việt Nam ít dùng liễn, ngày nay chỉ một số ít người Hoa tại Việt Nam dùng liễn trà.
-
Khay trà
Dùng khay trà để chứa chén tống và chén quân đồng thời giảm sự rây nước ra chỗ ngồi. Nên chọn khay có chất liệu bền, dễ vệ sinh, có thẩm mỹ mang lại sự tinh tế nhưng cũng không nên quá nhiều chi tiết cầu kì gây rối mắt.
-
Lọc trà
Thường đặt trên chén tống, giúp lọc xác trà nhỏ từ ấm trà để nước trà trong và đẹp mắt hơn.
-
Hủ đựng trà
Có nhiều loại hũ đựng trà nhưng nên chọn loại làm bằng đất nung, nắp kín để giữ được hương vị riêng của trà, hạn chế ánh sáng trực tiếp.
-
Kháo trà
Bát trà có độ lớn vừa phải, chứa nước sôi dùng để vệ sinh và làm nóng các dụng cụ trước khi pha trà đồng thời dùng để bỏ nước tráng trà và bả trà sau khi dùng xong.
Nếu sử dụng bàn trà có khay chứa nước ở bên dưới thì không cần sử dụng trà cụ này. Thao tác trực tiếp trên bàn trà mang lại sự thoải mái và phóng khoáng cho người pha.
-
Bộ dụng cụ lấy trà 6 món
Cống trà (hộp trà)
Giống như ống đựng bút, dùng để đựng các đồ dùng để pha trà khác cho gọn gàng.
Muỗng trà (nong trà)
Dùng để trộn lấy các lá trà cho vào trong ấm trà một cách thuận tiện và hợp vệ sinh.
Gắp trà (kẹp trà)
Là dụng cụ dùng để gắp chén trà trong quá trình rửa và chần chén qua nước nóng để tránh bỏng và hợp vệ sinh. Ngoài ra nó còn giúp kẹp lấy các lá trà ra khỏi ấm.
Phễu trà
Dùng để đặt trên miệng ấm trà, để cho trà vào trong ấm không bị rơi ra ngoài.
Kim trà
Trong ấm trà thường có tấm lưới lót bên trong, hoặc các lỗ tổ ong ở vị trí tiếp giáp giữa thân và vòi ấm trà, khi lưới hoặc các lỗ bị tắc do trà thì kim trà là dụng cụ được sử dụng để giúp lưu thông dòng chảy. Ngoài ra kim trà còn được dùng để trộn các lá trà trong ấm trà.
Thìa lấy mẫu trà
Là dụng cụ dùng để lấy trà cho vào ấm trà, thường được làm bằng tre, lượng trà lấy được thường nhỏ hơn khoảng 10-15 lần so với muỗng trà.
-
Ấm nấu nước pha trà
Ấm nấu nước pha trà thường là ấm gốm sứ, kim loại hoặc thủy tinh. Ngày nay để tiện lợi, người ta thường dùng ấm nấu nước điện tử với hệ thống lấy nước tự động trực tiếp trên bàn trà.
-
Khăn lau bàn trà
Dùng để lau dọn, giữ cho bàn trà luôn sạch sẽ.
-
Các loại trà cụ khác:
Bút dưỡng ấm trà: thường rất tinh sảo, giống như bút lông, thân bút thường làm bằng sừng, gỗ, tre. Dùng để lau quét cặn các góc chết bên trong của ấm trà.
Tấm lót: trong mỗi bộ trà cụ, số tấm lót bằng số lượng của chén quân. Dùng để đệm lót chén trà.
Nhiệt kế, đồng hồ, cân tiểu ly: cân tiểu ly để định lượng trà, nhiệt kế để đo nhiệt độ nước, đồng hồ để đo thời gian pha trà. Tuy nhiên có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh việc sử dụng các dụng cụg pha trà vì bị cho là quá cứng nhắc, không cần thiết và mất đi tinh thần phóng khoáng, tự do của trà đạo.
Ngoài ra, để có thêm tính nghệ thuật và phong thủy, bàn trà thường tích hợp với các phẩm vật thu hút vận khí may mắn, phúc lộc cho gia chủ như tượng phật di lặc, cậu bé thưởng trà, cóc vàng đa sắc…
Bantradienthongminh.vn mong rằng bài viết này hữu ích cho bạn khi chọn mua một bộ trà cụ phù hợp với bản thân. Không quá khó để học cách sử dụng và cách pha trà. Đừng sợ sai, hãy cố gắng học hỏi kinh nghiệm, mỗi lần pha trà là một lần khai phá ra sở thích dùng trà của bản thân. Sẽ đến lúc bạn có thể lượng trà bằng mắt, nghe âm thanh đoán được độ sôi của nước, phân biệt được từng loại mùi, sắc và vị trà.