Từ xa xưa đã có tục khách đến nhà thì mời trà để tỏ lòng mến khách, truyền thống này là sự kết tinh ngàn đời của văn hoá phương Đông.
Trà là thức uống phổ biến thứ hai trên thế giới chỉ sau nước lọc và trở thành một nguyên liệu thiết yếu trong đời sống thường ngày của chúng ta. Có nhiều loại hương vị trà và cũng có nhiều cách thưởng trà khác nhau. Khi thưởng trà nhiều người vẫn chưa biết rõ về các nghi thức được ngầm hiểu cũng như những lưu ý cơ bản nhất trong uống trà.
Khi uống trà, cần lưu ý điều gì?
Trước khi chủ trà mời khách, sẽ hỏi ý kiến của bạn, khi nào cần dùng trà, sở thích dùng trà của cá nhân bạn. Nếu không có gì kiêng kị hãy chọn một trong các phương án mà chủ trà đưa ra hoặc tùy ý theo chủ trà, trong trường hợp bình thường, rất là bất lịch sự khi yêu cầu chủ trà quá nhiều.
Khi chủ trà phục vụ trà cho mình, nếu có thể hãy đứng dậy ngay hoặc không thì có thể gật nhẹ đầu để cảm ơn, đừng phớt lờ. Khi được thêm trà cũng thể hiện sự cảm ơn như vậy.
Khi uống trà, chỉ sử dụng một tay để nâng chén trà.
Khi nâng một chén trà có quai, hãy cầm quai chắc chắn bằng tay phải, nếu là chén trà không quai thì đặt trọng tâm vào giữa chén, không quá sát đáy chén (nâng chén không chắc chắn), không chạm vào miệng chén (gây nhiễm trà).
Khi dùng trà, nếu có lá trà trong chén, không được dùng miệng để thổi lá, cũng tuyệt đối không nên tùy ý lấy lá trà ra khỏi chén, thậm chí nếu lá trà vào miệng không được nhổ ra, hãy từ từ ngậm và nuốt lá. Để hạn chế lá trà có trong chén trà, thường thì khi rót trà từ ấm trà vào chén tống, chủ trà sẽ lọc qua với bộ lọc trà.
Nếu được mời trà dùng trong liễn trà, hãy dùng nắp trà để gạt lá trà. Tay phải cầm nắp liễn để gạt trà, tay trái nâng giá đỡ liễn cao ngang ngực.
Ước lượng được nhiệt độ của trà. Trà sau khi rót ra chén, không đưa lên uống ngay mà thường thưởng hương trà qua sức nóng hơi nước tỏa lên, cũng không được thổi trà cho nguội vì việc này gây mất lịch sự. Tốt nhất nên để trà nguội tự nhiên, ước lượng trà nguội theo kinh nghiệm và nhấp thử ngụm nhỏ để tránh bỏng.
Khi dùng trà không nên làm đổ trà hoặc để trà rơi vãi lên bàn. Nên nhấp từng ngụm, chậm rãi, cẩn thận và không tạo ra tiếng ồn.
Một số nghi thức cơ bản bạn cần biết khi được mời trà
Nghi thức cúi đầu chào trà
Cúi đầu là nghi thức phổ biến trong nghệ thuật thưởng trà, thể hiện sự khiêm nhường, tôn trọng lẫn nhau. Cúi đầu được chia làm ba kiểu theo tư thế đứng, ngồi và quỳ gối cúi đầu. Ngày nay việc hành lễ không còn phổ biến như trước, việc cúi đầu chào trà phổ biến ở hai tư thế đứng và ngồi.
Ở tư thế đứng cúi đầu, chuẩn bị tư thế đứng lưng thẳng, hai tay đặt ngang đùi và từ từ hạ tay xuống theo phương thẳng đứng, phần lưng cong, cúi đầu, hít vào khi cúi xuống và thở ra khi thẳng lưng. Khi cúi xuống hãy ngưng lại một chút để thể hiện sự tôn trọng và từ từ thẳng lưng lên, đưa hai tay về lại tư thế ban đầu, khép các ngón tay, dọc theo cơ thể.
Ở tư thế ngồi cúi đầu, cúi gập đầu xuống khi vẫn đang ngồi, các yêu cầu khác tương tự như ở tư thế đứng.
Duỗi lòng bàn tay mời trà
Duỗi lòng bàn tay thường có nghĩa là “xin mời”, hầu như buổi thưởng trà nào cũng thực hiện nghi thức này. Đặt lòng bàn tay hơi nghiêng, hướng về phía trà (vật phẩm được tôn trọng), bốn ngón tay khép vào nhau tự nhiên, gan bàn tay (khoảng cách giữa ngón trỏ và ngón cái) cách nhau một khoảng, lòng bàn tay hơi lõm xuống, ý nghĩa chứa đựng lòng thành của người mời trà. Ngoài ra, khi thực hiện động tác này, hơi nghiêng người ra phía trước, cúi đầu và miệng mỉm cười.
Nghi thức gõ trà
Có thể hiểu là dùng ngón tay gõ lên mặt bàn (tục gõ mõ) để thể hiện sự tôn trọng và bày tỏ lòng cảm ơn khi được mời trà, tục này phổ biến ở Trung Quốc, một số ít dân tộc Hoa ở Việt Nam còn dùng tục này. Nếu bạn có đối tác là người Trung Quốc, hãy lưu ý đến văn hóa của họ.
Văn hóa này xuất phát từ tục quỳ cúi đầu của người cổ đại, theo tục thì khi được người khác mời trà, người nhận trà hành lễ tư thế quỳ cúi đầu để cảm tạ, về sau vua Càn Long sau khi tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của dân chúng nên đã thay đổi, yêu cầu các thần dân dùng tay thay vì quỳ cúi đầu. Ba ngón tay uốn khụm lại tượng trưng cho quỳ gối và ngón giữa gõ lên mặt bàn trà mang ý nghĩa cúi đầu.
Tham khảo chi tiết tại Link dẫn bài viết [NGHI THỨC GÕ TRÀ]
Phục vụ Trà (Dâng trà mời khách)
Để tôn trọng người uống (người khách được trà chủ mời trà), việc dâng trà nên dùng khay (hoặc tấm đệm lót chén trà). Hãy cẩn thận không để ngón tay chạm vào miệng chén trà, điều này là tối kị, vì được hiểu là bất lịch sự, nhiễm trà và không tôn trọng khách).
Khi tiếp cận khách, hơi cúi người và nói “ mời dùng trà” hoặc có thể duỗi lòng bàn tay mời trà như đã đề cập ở trên. Thường thì người khách sẽ ra tín hiệu đồng ý bằng việc cúi nhẹ đầu hoặc mỉm cười, tỏ vẻ hoan hỉ khi được mời trà.
Khi dâng trà tuyệt đối nên dùng bằng hai tay, mặt trước của chén trà phải hướng về phía khách, đối với chén trà có quai thì phần quai hướng về phía tay phải của khách. Những chi tiết nhỏ này rất quan trọng, người được mời trà có thể ngầm hiểu, và đánh giá được sự tinh tế, am hiểu về văn hóa mời trà của bạn.
Chú ý thứ tự dâng trà: khách trước, chủ sau, ưu tiên phụ nữ trước đàn ông sau, người lớn tuổi trước, người trẻ sau.
Phúng dụ- ngụ ý trong thưởng trà
Phúng dụ đề cập đến một số hành động được ngụ ý ngầm hiểu trong giao tiếp thưởng trà. Bạn không cần nói ra, việc này chủ trà và khách mời đương nhiên tự hiểu thông điệp. Việc hiểu rõ các hành động này giúp bạn có thể thực hành thao tác mời trà cũng như hiểu được thông điệp khi được mời trà.
-
Phượng hoàng bái đầu ba lần
Có thể hiểu như khi bạn dùng ấm trà có vòi rót trà ra chén, hãy thao tác ba lần việc nhấc cao bình vòi lên, vừa rót trà vào chén vừa hạ xuống thấp, lại đưa lên cao. Điều này có nghĩa là ba lần cúi chào khách trà thể hiện sự tôn trọng. Nghi thức này thường dùng trong các quán trà xưa mang ý nghĩa chào đón khách.
-
Rót trà vòng quanh
Khi pha trà hoặc rót trà, thực hiện bằng việc dùng tay đưa nhẹ nhàng uyển chuyển theo xoay vòng để rót trà vào chén, nếu dùng tay phải rót trà hãy đưa tay theo chiều ngược kim đồng hồ, nếu tay trái rót trà hãy đưa theo chiều thuận kim đồng đồ. Hành động này mang ý nghĩa hoan nghênh, chào mừng.
-
Đặt ấm trà
Khi đặt ấm trà, vòi của ấm trà không được đặt hướng đến phía khách, điều này có ý nghĩa là mời khách ra về. Sau khi rót trà xong cho khách, hãy lưu ý nhẹ nhàng xoay vòi lại về hướng mình.
-
Bảy phần trà ba phần tình
Khi rót trà chỉ rót đến bảy phần ly, còn ba phần để biểu lộ tình hữu nghị với khách. Việc rót quá đầy chính là sự thô lỗ và ngầm hiểu là đuổi khách ra về.
-
Thêm trà
Sau khi uống vài ngụm trà, hãy thêm trà đúng lúc, thêm trà vào chén cho khách và lưu ý rằng không bao giờ để cạn chén trà, có ý nghĩa như “trà là vô tận, từng ngụm thưởng thức, chầm chậm hàn thuyên”.
-
Vỗ tay tán thưởng
Khi thưởng trà, người xưa thường nghe nhạc kịch hay hội vũ, việc vỗ tay mang ý nghĩa tán thưởng khen ngợi bày tỏ cảm kích, động viên đến người biểu diễn.
-
Đứng dậy
Đứng dậy thường dùng khi chào đón hoặc tiễn khách, là cử chỉ tôn trọng mà người nhỏ tuổi hơn kính người lớn, hoặc chủ nhà kính khách.
-
Tặng biếu một món quà nhỏ
Mang ý nghĩa như câu nói “của ít lòng nhiều”, thường sau một buổi tiệc trà, khách và chủ sẽ tặng nhau một món quà nhỏ để thể hiện lòng cảm ơn, sự hiếu khách và để gia tăng tình cảm hai bên.
Trên đây là những lưu ý và các nghi thức cơ bản khi dùng trà. Hi vọng bạn đọc có thể hiểu đúng các nghi thức cơ bản trong uống trà, tránh sai sót tối kị nhất và thực hành chuẩn hơn các thao tác để thể hiện sự am hiểu, tinh tế, lịch sự và tạo ấn tượng tốt với mọi người.